Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để phòng dịch Covid.
Hưởng ứng tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” từ ngày 16/10 đến ngày 23/10/2021 với chủ đề: “Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để nâng cao sức khỏe, góp phần chiến thắng dịch COVID -19”.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý có vai trò vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển tốt cả về trí lực và thể lực đối với mỗi người. Với chủ đề "Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để nâng cao sức khỏe, góp phần chiến thắng dịch Covid – 19. Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” được phát động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cũng như tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể người dân về chế độ dinh dưỡng, vai trò quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Mỗi loại thức ăn có chứa một số loại dinh dưỡng với tỷ lệ khác nhau, cho nên bữa ăn hằng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm. Chất dinh dưỡng của các loại thực phẩm này sẽ bổ sung cho nhau và giá trị dinh dưỡng của bữa ăn sẽ tăng lên.
1. Vai trò dinh dưỡng trong phòng chống COVID-19
Các chất dinh dưỡng trong thức ăn bao gồm Protein (chất đạm); Lipid (chất béo); Glucid (chất đường bột); Vitamin, chất khoáng; Nước và chất xơ. Các chất dinh dưỡng được cung cấp cho con người thông qua thực phẩm chúng ta ăn và uống. Khi ăn vào, thức ăn được tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa để sinh năng lượng cho cơ thể hoạt động và tái tạo cũng như tạo ra các yếu tố miễn dịch. Mỗi một loại thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng khác nhau, có vai trò khác nhau đối với cơ thể và tùy từng đối tượng sẽ có những lựa chọn thực phẩm cũng như chế độ ăn khác nhau.
COVID-19 là bệnh do virus gây ra, lây lan rất nhanh trong cộng đồng và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Những người có sức đề kháng tốt sẽ ít bị lây nhiễm hơn và nếu có nhiễm virus thì biểu hiện bệnh cũng nhẹ hơn, nhanh hồi phục hơn những người có sức khỏe yếu, sức đề kháng kém. Việc lựa chọn thực phẩm có các chất dinh dưỡng phù hợp, tỷ lệ cân đối giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tạo nhiều yếu tố miễn dịch để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể con người với virus gây bệnh có vai trò quan trọng trong dự phòng và điều trị COVID-19.
Ăn đầy đủ cân đối các nhóm chất dinh dưỡng để cơ thể luôn khỏe mạnh
2. Nguyên tắc chế độ dinh dưỡng hợp lý trong phòng chống COVID-19
Dinh dưỡng trong phòng chống COVID-19 chính là dinh dưỡng hợp lý theo nguyên tắc dinh dưỡng cho từng đối tượng như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú, những người mắc bệnh mạn tính. Cần chú ý cách chế biến thực phẩm để dễ ăn, dễ tiêu, ngon miệng và không bỏ bữa, giúp phòng ngừa suy kiệt, thiếu dinh dưỡng.
* Dinh dưỡng hợp lý:
- Ăn đủ số lượng thực phẩm theo tháp dinh dưỡng theo lứa tuổi của Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế đã ban hành, nhấn mạnh việc đa dạng thực phẩm trong bữa ăn.
- Ăn đủ 3 bữa chính, không bỏ bữa, có thể thêm 1-3 bữa phụ.
- Với người mắc bệnh: cần thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng phù hợp bệnh lý theo sự tư vấn của bác sỹ.
- Uống đủ nước và thực hiện uống nước đúng cách: Cơ thể hàng ngày cần khoảng 2-2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau. Nhu cầu này phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, hoạt động thể lực. Cần uống nước sạch (đun sôi hoặc đã tiệt trùng), uống từ từ, từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày, ngay cả khi không khát, không uống nước nhiều trước khi đi ngủ, không uống nước ngọt thay nước lọc.
- Hạn chế rượu bia.
* Đa dạng thực phẩm để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể
Tăng cường các thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng giúp cải thiện và nâng cao hệ miễn dịch: Protein (chất đạm), Omega 3 (acid béo không no thiết yếu); vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin D, selen, sắt và kẽm.
+ Protein (chất đạm) là thành phần nền tảng cơ bản, cấu tạo nên các tế bào và các mô của cơ thể (trong đó có các tế bào miễn dịch và các kháng thể), tham gia các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Thiếu protein, sẽ bị ức chế việc hình thành kháng thể, dẫn đến lượng kháng thể giảm, khả năng tiêu diệt vi khuẩn, virus có hại cho cơ thể giảm. Các bữa ăn trong ngày (sáng, trưa, tối) đều cần có chất đạm. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật (như các loại cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa...) và đạm thực vật (từ các loại đậu, đỗ…).
+ Vitamin A và Beta-caroten: vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Việc sản xuất các kháng thể trên bề mặt niêm mạc có tác dụng trong việc chống lại sự tấn công của virus gây bệnh. Thực phẩm giàu vitamin A gồm: gan động vật, lòng đỏ trứng. Các loại rau và trái cây cũng chứa nhiều vitamin A dưới dạngBeta-caroten như: đu đủ, cà rốt, khoai lang, bí ngô, cam, xoài, gấc, bông cải xanh, rau cải bó xôi…
+ Vitamin C: là một loại vitamin thiết yếu cho hệ thống miễn dịch của cơ thể. Vitamin C hỗ trợ chức năng tế bào cho hệ thống đáp ứng miễn dịch, chống lại yếu tố gây bệnh, tăng cường hoạt động dọn dẹp chất gây oxy hóa bảo vệ cơ thể. Thiếu vitamin C làm suy giảm khả năng miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C là các loại quả chín, trái cây và rau xanh tươi như: cam, quýt, bưởi, ổi, đu đủ, xoài, táo, nho, kiwi, cà chua, súp lơ, củ cải, rau ngót, ớt chuông, rau chân vịt, …
+ Vitamin E: vitamin E có thể làm tăng tính miễn dịch bằng cách bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương, do đó tăng sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn. Thực phẩm giàu vitamin E gồm các loại hạt như hạt hướng dương, quả oliu, măng tây, các sản phẩm từ đậu nành, lúa mì, giá đỗ, rau mầm, rau chân vịt,...
+ Vitamin D: vitamin D là loại vitamin tan trong chất béo có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch. Vitamin D có mặt tự nhiên trong rất ít trong thực phẩm, vitamin D cũng được sản xuất nội sinh khi các tia cực tím từ ánh sáng mặt trời chiếu vào da và kích hoạt tổng hợp vitamin này. Cần tăng cường các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ), và các thực phẩm được bổ sung vitamin D (các loại sữa, ngũ cốc)...
+ Selen: nguyên tố vi lượng selen là một chất chống oxy hóa mạnh. Thiếu selen, nhất là khi kèm theo thiếu vitamin E làm giảm khả năng sản xuất kháng thể. Nguồn cung cấp selen là các loại thực phẩm như cá thu, cá ngừ, cá cơm, cá trích, cá hồi, cá mòi, ….Selen cũng có ở động vật có vỏ (hàu, sò điệp, tôm hùm), trong nấm, lòng đỏ trứng, các loại ngũ cốc nguyên hạt, hạt hướng dương, mầm lúa….
+ Sắt và kẽm: sắt và kẽm giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Các loại thịt gia cầm (gà...) và các loại động vật có vỏ và hải sản như: hàu, cua, sò... là nguồn cung cấp kẽm vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, gan động vật và thịt nạc cũng rất giàu sắt, cơ thể có thể dễ dàng hấp thu.
+ Omega 3: là 1 loại acid béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, có vai trò quan trọng trong chống viêm và cải thiện hệ miễn dịch. Omega 3 có nhiều trong các sản phẩm: dầu cá, dầu gan cá, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu và một số loại hạt...
+ Các loại thực phẩm có các loại vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe (Probiotic) như các loại sữa chua, một số loại phô mai, đậu tương lên men… có tác dụng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
+ Sử dụng các thực phẩm bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ: muối được bổ sung i ốt, bột mỳ được bổ sung sắt và kẽm, dầu thực vật được bổ sung vitamin A.
+ Thực phẩm chức năng: các loại vi chất dinh dưỡng (viên đa vi chất dinh dưỡng, hoặc sản phẩm dinh dưỡng có chứa vi chất sắt, kẽm, vitamin A, D, E…), Omega 3 (viên dầu cá) cần bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ và cán bộ dinh dưỡng (tiết chế dinh dưỡng viên) khi khẩu phần ăn không cung cấp đủ.
Chúc mọi người lựa chọn dinh dưỡng phù hợp, đủ chất, ăn uống hợp lý để nâng cao sức khỏe vượt qua dịch bệnh./.